TPM – Bảo trì toàn diện

TPM là gì ?

Total Productive Maintenance (TPM) là một chương trình bảo trì bao gồm nhiều định nghĩa mới cho quá trình bảo dưỡng thiết bị.

TPM đưa bảo trì vào trọng tâm là một phần quan trọng của doanh nghiệp. Thời gian bảo trì được đưa vào trong kế hoạch sản xuất và trong nhiều trường hợp, TPM trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất. TPM giao trách nhiệm bảo trì và bảo dưỡng định kỳ cho những người cùng vận hành thiết bị đó. Điều này đặt những người quen thuộc nhất với máy có nhiệm vụ chăm sóc nó.

 

Mục tiêu của chương trình là tăng năng lực sản xuất, đồng thời tăng kiến thức, kỹ năng và sự hài lòng trong công việc của nhân viên.TPM chỉ ra rằng công việc bảo dưỡng là rất quan trọng, liên quan và góp phần rất lớn vào kết quả kinh doanh của nhà máy, kết quả mang lại là lợi nhuận đột phá cho nhà đầu tư. Dừng thiết bị để bảo trì có kế hoạch là một phần công việc trong một ngày sản xuất, như một mắt xích trong quá trình sản xuất. Mục tiêu là máy móc không bị Breakdown (thiết bị chỉ dừng khi chúng ta có kế hoạch dừng nó).

TPM được xây dựng trên nền tảng 5S, tạo ra tổ chức nơi làm việc hiệu quả và các quy trình được chuẩn hóa để cải thiện sự an toàn, chất lượng, năng suất và thái độ của nhân viên.

Mục tiêu của TPM :

+Production: Quản lý hệ thống sản xuất, kế hoạch sản xuất, thay thế phụ tùng, theo dõi các chỉ tiêu A, P, Q và OPE

+Quality: Chất lượng càng cao càng tốt.

+Cost: Chi phí làm sao cho thấp nhất.

+Delivery: Giao hàng nhanh nhất.

+Morale: Tinh thần, lòng tin nâng lên.

+Safety (SHE)An toàn, sức khỏe, môi trường được cải thiện.

Các trụ cột của TPM

Bảo trì tự quản (Autonomous Maintenance): người vận hành máy biết sửa chữa, bảo trì máy và nhận diện các hư hỏng ở một mức độ nhất định. Tự bảo dưỡng giúp người vận hành biết về kết cấu và chức năng của máy, hiểu về quan hệ giữa máy móc và chất lượng, quen với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ đó phát hiện và chẩn đoán chính xác mọi bất thường của máy cũng như cách khắc phục nhanh chóng và phù hợp nhất.

Bảo trì có kế hoạch (Planned Maintenance): nhằm thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để tránh dừng máy, tránh các lỗi lặp lại, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa và chi phí bảo trì.

Quản lý chất lượng (Quality Management): xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng tốt, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu tiên đến khâu phân phối và hậu mãi, có hệ thống khắc phục và phòng ngừa. Đồng thời phân tích quá trình sản xuất để tìm ra các điểm dễ xảy ra lỗi và tiến hành khắc phục.

Cải tiến có trọng điểm (Focus Improvement): ưu tiên tập trung cải tiến những vấn đề có tính quan trọng then chốt trước. Bên cạnh đó khuyến khích những sáng kiến cải tiến nhỏ của từng cá nhân hoặc từng bộ phận.

Huấn luyện và đào tạo (Training & Education): nếu không có quá trình đào tạo đúng và chuẩn hóa, TPM và hệ thống bảo trì nói chung, sẽ không thành hiện thực. Việc đào tạo phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

An toàn và sức khoẻ (Safety & Health): tiến tới không có tai nạn lao động, không có bệnh nghề nghiệp, không tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt nhấn mạnh đến an toàn của người vận hành thiết bị.

Hệ thống hỗ trợ (Support Systems): các hoạt động phục vụ cho TPM của các bộ phận sản xuất gián tiếp rất quan trọng… nhiệm vụ của họ là thu thập, xử lý, cung cấp thông tin, phục vụ các nhu cầu khác của sản xuất.

Quản lý từ đầu (Initial Phase Management): xem xét mọi giai đoạn của sản xuất từ đầu đến cuối và tìm cách cải thiện các điểm yếu ngay từ đầu.

Nếu ví TPM như là một tòa nhà, 8 nội dung trên chính là 08 trụ cột của ngôi nhà đó, còn nguyên tắc 5S là nền móng.

Lợi ích khi áp dụng TPM

Lợi ích trực tiếp

Giảm thời gian ngừng máy do sự cố và chuyển đổi sản phẩm.

Giảm mất mát tốc độ (khi thiết bị không thể vận hành tại tốc độ tối ưu của nó).

Giảm thời gian chạy không tải và ngừng đột xuất vì hoạt động bất thường của những cảm biến, ùn tắc công việc,..

Giảm những khuyết tật của quá trình do hàng hủy hay hàng hỏng cần tái chế.

Giảm bớt lãng phí chạy thử

Lợi ích gián tiếp

Cải tiến kỹ năng và kiến thức.

Cải thiện môi trường làm viêc.

Nâng cao sự tự tin và năng lực.

Tăng tính sáng tạo và tinh thần làm việc.

Cải thiện hình ảnh công/nhà máy.

Tăng khả năng cạnh tranh.

Triển khai TPM tại doanh nghiệp

Để thực hiện TPM cần 12 bước, được chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn chuẩn bị

Được thực hiện trong khoảng 3 đến 6 tháng, gồm những bước:

Bước 1: Lãnh đạo cao nhất giới thiệu TPM.

Bước 2: Tập huấn và giới thiệu TPM.

Bước 3: Hoạch định phương thức tổ chức tiến hành thực hiện TPM.

Bước 4: Thiết lập những chính sách căn bản và các chỉ tiêu của TPM.

Bước 5: Trình bày kế hoạch phát triển TPM

Giai đoạn giới thiệu TPM

Bước 6: Bắt đầu triển khai TPM (hoạch định và thực hiện).

Giai đoạn thực hiện

Bước 7: Cải tiến hiệu suất của mỗi máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất.

Bước 8: Tổ chức công việc bảo trì.

Bước 9: Thực hiện công tác bảo trì với kế hoạch trong phòng ban bảo trì.

Bước 10: Huấn luyện để nâng cao các kỹ năng bảo trì và vận hành.

Bước 11: Tổ chức công việc quản lý thiết bị.

Giai đoạn củng cố, duy trì

Bước 12: Thực hiện hoàn chỉnh TPM ở cấp độ cao hơn.

Để thực hiện thành công TPM, chi phí đầu tư cho những hoạt động này không quá lớn đồng thời có thể hoàn toàn được bù đắp bằng những thành quả ngay trong quá trình thực hiện. Không những thế những doanh nghiệp cần có sự cố gắng bền chí và trong khoảng thời gian dài. Thông thường, tùy quy mô và nền tảng, những doanh nghiệp cần từ 3 – 5 năm để hoàn thiện được 12 bước trên. 

Kết luận

Trong thực tế các doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc đầu tư cho trang thiết bị hiện đại và xây dựng nhà xưởng mới là giải pháp đột phá và tối ưu trong cạnh tranh, trong khi công tác quản lý điều hành thì thật là rối rắm và kém hiệu quả. Các doanh nghiệp của Nhật như Toyota, Sony đạt đến thành công như ngày nay là do họ đã quyết tâm và kiên trì chiến lược cải tiến sản xuất cách đây hơn 30 năm chứ không phải một sớm một chiều.

TPM là kim chỉ nam và tấm bản đồ vạch ra con đường phải đi cho doanh nghiệp. Nó giúp cho doanh nghiệp biết phải làm gì một khi muốn phát triển lớn mạnh. Đích đến của nó là dưa doanh nghiệp phát triển toàn diện và bền vững thực sự, có sức mạnh cạnh tranh ở khu vực và toàn cầu về mặt giá cả, chất lượng và thương hiệu.

Như vậy hy vọng bạn có câu trả lời cho câu hỏi TPM là gì? TPM là một phương pháp duy trì và cải thiện tính toàn vẹn của hệ thống sản xuất và chất lượng thông qua các máy móc, thiết bị, nhân viên và các quy trình hỗ trợ. TPM có thể có giá trị lớn và mục tiêu của nó là cải thiện các quy trình kinh doanh cốt lõi.

Close Menu
Postcodes site